Thước lỗ ban dùng đo đạc trong xây dựng, sửa chữa nhà ở, đồ dùng nội thất có thể quen thuộc với nhiều người, nhưng lại khá lạ lẫm với nhiều người khác. Tìm hiểu phân loại, cách dùng và cả các lưu ý khi sử dụng để đạt được giá trị phong thủy, tâm linh tốt nhất.
Chọn loại thước
Chọn đúng thước dùng đo thông thủy, đo đồ dùng nội thất hay đo đạc các vị trí, đồ dùng thuộc âm phần.
Chọn sử dụng đúng thước lỗ ban
Mỗi loại thước lỗ ban được sử dụng cho 1 mục đích đo đạc cụ thể mà nếu dùng nhầm lẫn có thể dẫn đến sai lệch về kích thước phong thủy, ảnh hưởng đến giá trị tâm linh, không may có thể gặp xui xẻo, hiểm họa…
Dùng thước lỗ ban 38.8 cho mục đích đo đạc âm phần, mồ mả, thờ cúng.
Dùng thước lỗ ban 52.2 đo các vị trí thông thủy, thoáng khí trong ngôi nhà, chỉ đo khoảng trống thoáng khí, không lấy diện tích phủ bì.
Dùng thước lỗ ban 42.9 đo các khối đặc trong ngôi nhà, đo kích thước đồ dùng nội thất.
Trước khi dùng thước, hãy kiểm tra lại xem thước lỗ ban bạn đang dùng chính xác là loại thước nào để dùng đúng, dùng chuẩn, chọn được kích thước phong thủy đẹp nhất.
Chọn cung
Quy luật khi dùng thước lỗ ban phong thủy là “đen bỏ, đỏ chọn”, tức người ta dùng kích thước rơi vào các cung đỏ – cung tốt và tránh đi các cung đen – cung xấu.
Thước lỗ ban 52.2 có 8 cung, với 4 cung tốt: Quý nhân – Thiên tài – Phúc lộc – Tể tướng.
Thước lỗ ban 42.9 có 8 cung, với 4 cung tốt nên chọn: Cung Tài – Cung Nghĩa – Cung Quan – Cung Bản.
Thước lỗ ban 38.8 có 10 cung, với 6 cung tốt: Đinh – Vượng – Nghĩa – Quan – Hưng – Tài.
Việc chọn cung đẹp nào cho tốt nhất phụ thuộc vào mong muốn tâm linh của gia chủ và căn cứ vào kích thước thực tế sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà ở, đồ đạc…
Chọn kích thước lỗ ban đẹp để sử dụng
Cách dùng trong đo đạc
Đo kích thước rỗng: Chỉ dùng thước lỗ ban đo diện tích rỗng của vị trí cần đo, không đo phủ bì. Ví dụ đo thông khí cửa không đo phần đố cửa, đo diện tích giếng trời chỉ đo phần hứng gió và hứng sáng mà không tính bìa xây dựng…
Đo kích thước đặc: Đo luôn phần phủ bì.
Đo diện tích âm phần: Cũng đo luôn phần phủ bì.
Thường người dùng sẽ đo đạc kích thước cửa chính trước khi xây dựng hoặc sữa chữa, lưu ý sai số thường gặp do tính toán thiếu chuẩn xác.
Ví dụ: Đo kích thước rỗng của cửa nhưng không nhớ chừa phần đố cửa, dẫn đến khi lắp đố cửa vào diện tích chừa sẵn thì làm sai lệch kích thước thông thủy đã đo đạc.
Hoặc đo kích thước bậc cầu thang nhưng không tính toán phần ốp lát gạch đá trang trí…
Những sai sót này làm sai lệch kích thước đẹp đã chọn, mà nếu không may mắn chúng còn có thể khiến số phong thủy rơi vào cung xấu nên tránh, cũng rất tai hại.
Cách dùng thước lỗ ban trong đo đạc rất quan trọng, đòi hỏi tính cẩn trọng và độ chính xác cao, sự nhầm lẫn hoặc sai lệch có thể khiến gia chủ gặp điềm xấu, không may mắn, rất tai hại.